"TÔI RẤT TIẾC, NHƯNG ĐÓ LÀ THỰC TẾ" Phỏng vấn triết gia đương đại Byung-Chul Han


Phỏng vấn triết gia đương đại Byung-Chul Han.

(Byung - Chul Han sinh năm 1959 tại Seoul, Hàn Quốc, quốc tịch Đức, Thụy Sỹ.

Ông từng là giáo sư trường Đại học Nghệ thuật Berlin).

&

Ông được coi là ngôi sao đang lên trên bầu trời triết học thế giới, người chỉ với vài câu có thể lật nhào những cấu trúc nâng đỡ sự tồn tại hàng ngày của chúng ta. Chính vì lý do ấy, ông vừa được ngưỡng mộ vừa bị tấn công. Một cuộc đối thoại với triết gia Byung-Chun Han ở Berlin.


Byung-Chun Han đã gợi ý Café Liebling ở Prenzlauer Berg là nơi chúng tôi gặp nhau. Vị triết gia kín tiếng này là giáo sư ở Đại học Nghệ Thuật Berlin (Universität der Künste Berlin) và đã gây chấn động với những cuốn sách về Xã hội Mệt mỏi và Xã hội Trong suốt. Ông thường tránh các cuộc phỏng vấn.


Đã 10 phút quá giờ hẹn. Chúng tôi đang nghĩ bụng liệu ổng có cho mình leo cây hay không, thì ông đạp xe đến. Ông ngồi xuống và gọi một chai coke.

ZEIT Wissen (ZW): Ông vừa từ đâu đến thế?


Byung-Chul Han: Từ bàn viết của tôi, như mọi khi.


ZW: Ông đang làm gì?


Han: Tôi đang viết một cuốn sách mới về cái đẹp. Tôi quyết định viết nó sau khi đọc một bài phỏng vấn Botho Strauss. Khi được hỏi ông nhớ điều gì, Botho Strauss đã trả lời: “cái đẹp”. Ông ấy không nói thêm gì khác – chỉ đơn giản là “Tôi nhớ cái đẹp”, và tôi hiểu. Thế rồi tôi nghĩ, tôi sẽ viết một cuốn sách về cái đẹp.


ZW: Vậy là ông đang suy nghĩ về cái đẹp. Quá trình suy nghĩ ấy trông như thế nào?


Han: Suy nghĩ bao hàm việc nhận thức về những điểm giống nhau. Tôi thường thấy rằng mình đột ngột nhận ra các điểm tương đồng giữa các sự kiện, giữa sự kiện đang diễn ra và một sự kiện trong quá khứ, hoặc giữa các điều đang xảy ra cùng một lúc. Tôi theo đuổi các mối quan hệ này.


ZW: Và ông nghĩ cái đẹp là gì?


Han: Tôi nhận thấy một mối nối giữa những điều khác nhau đang diễn ra hoặc đang phổ biến ngày nay. Ví dụ như, triệt lông kiểu Brazil (Brazilian waxing), điêu khắc của Jeff Koons và iPhone.


ZW: Ông đang so sánh việc tẩy lông trên cơ thể với một cái điện thoại thông minh và một nghệ sĩ?


Han: Khá dễ để thấy điểm chung: đó là sự trơn nhẵn. Sự trơn nhẵn này là đặc tính nổi bật của thời đại ngày nay của chúng ta. Bạn có biết G Flex, chiếc điện thoại thông minh của LG không? Nó có một lớp phủ đặc biệt: nếu nó bị dính các vết xước, chúng sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn, tức là nó có một lớp vỏ tự lành, gần như một lớp da hữu cơ. Điều này có nghĩa là cái smartphone luôn giữ được sự nhẵn bóng. Tôi tự hỏi mình, tại sao một vài vết xước lại quan trọng đến thế đối với một đồ vật? Toàn bộ nỗ lực cho một bề mặt nhẵn bóng này là do đâu? Và từ đó chúng ta có một mối nối giữa cái smartphone nhẵn bóng, làn da nhẵn nhụi và tình yêu. Niels Boeing và Andreas Lebert đã dự đoán rằng thế giới quan của triết gia Byung-Chul Han sẽ đưa họ vào một tâm trạng nặng nề, nhưng sau bốn giờ đối thoại, không khí (cuộc phỏng vấn) thậm chí còn có sự hồ hởi phấn khích. Có lẽ đây chính là bằng chứng cho lý thuyết của Han rằng việc dư thừa sự tích cực (excess of positivity) mới chính là lý do chủ yếu dẫn tới phiền muộn.

ZW: Tình yêu ư? Xin hãy làm rõ.


Han: Bề mặt nhẵn bóng trên một cái smartphone là một lớp da không thể bị tổn thương, thủ tiêu toàn bộ các vết thương. Và chẳng phải đúng là trong tình yêu ngày nay, chúng ta cũng tránh né các tổn thương? Chúng ta không muốn mình trở nên mong manh, chúng ta né việc làm đau và bị làm đau theo mọi cách. Tình yêu đòi hỏi nhiều cam kết, nhưng chúng ta tránh né cam kết này, bởi vì chúng dẫn tới tổn thương. Chúng ta tránh né đam mê, bởi rơi vào tình yêu thật quá sức đau đớn.

“Falling in love”, hay như người Pháp nói, “tomber amoureux”, không còn được cho phép nữa. Sự rơi này quá tiêu cực, thực sự là một vết thương cần phải được tránh đi. Tôi còn thấy một mối nối đến một ý tưởng khác nữa…

Chúng ta đang sống trong thời đại “Like”. Không hề có nút “Dislike” trên Facebook, chỉ có nút “Like”, và nút “Like” này làm tăng tốc truyền thông, trong khi “Dislike” làm chậm lại quá trình ấy. Tương tự, bị làm đau làm chậm quá trình đối thoại. Ngày nay ngay cả nghệ thuật cũng không muốn làm đau ai nữa. Trong các tác phẩm điêu khắc của Jeff Koons, không hề có các vết thương, không đổ vỡ, không sứt mẻ, không đứt gãy, không cạnh sắc, thậm chí không cả những vết sẹo. Mọi thứ đều chảy trôi trong một dòng chuyển tiếp mềm mại, mượt mà. Mọi thứ có vẻ như đều đã được bo tròn, đánh bóng, làm mịn – nghệ thuật của Jeff Koons chính là các bề mặt nhẵn bóng. Ngày nay một nền văn hóa của sự đáng yêu (a culture of likability) đang nổi lên. Tôi cũng có thể nhìn thấy nó trong chính trị nữa.


ZW: Ý ông là cả chính trị cũng nhẵn bóng?


Han: Các chính trị gia cũng tránh né mọi loại cam kết. Điều đang nở rộ là kiểu chính trị lấy lòng. Chính trị gia nào tiêu biểu cho kiểu này? Có lẽ là Angela Merkel. Đó là lý do tại sao bà ấy lại được lòng dân đến vậy. Bà ấy rõ ràng không có một sự tin chắc hay một tầm nhìn cụ thể nào. Bà ấy theo dõi sát sao quan điểm của đại chúng, và khi nó thay đổi, bà ấy cũng thay đổi luôn góc nhìn của mình. Sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, bà ấy đột nhiên chống lại điện hạt nhân. Bạn có thể nói rằng bà ấy trơn như lươn. Vì thế ngày nay chúng ta đang thực sự phải đối phó với nền chính trị trơn nhẵn.


Có một mối nối thú vị giữa làn da nhẵn nhụi, nghệ thuật nhẵn bóng và chính trị trơn nhẵn. Theo nghĩa rõ ràng, hành động chính trị đòi hỏi tầm nhìn và sự cam kết. Nó phải có khả năng gây tổn thương. Nhưng nền chính trị nhẵn nhụi ngày nay không làm việc đó. Không chỉ Angela Merkel, mà không một chính trị gia nào có khả năng làm việc đó. Họ chỉ là những tay sai đáng mến của hệ thống. Họ sửa chữa những chỗ hư hỏng của hệ thống, và làm vậy trong ảo tưởng rằng không có phương án thay thế nào khác. Nhưng chính trị phải đưa ra các phương án thay thế, nếu không nó chả khác gì một nền độc tài. Ngày nay, chúng ta đang sống trong nền độc tài của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism). Trong chủ nghĩa tân tự do, mọi người đều là một kẻ đang tự kinh doanh chính mình. Ở thời của Marx, chủ nghĩa tư bản có một cấu trúc vận hành hoàn toàn khác. Nền kinh tế bao gồm các chủ nhà máy và các công nhân, và không công nhân nào lại là một ông chủ của chính mính. Có một sự bóc lột từ bên ngoài. Ngày nay, chúng ta bóc lột chính mình – tôi bóc lột chính tôi trong ảo tưởng rằng tôi đang biểu đạt bản thân.

TỰ DO LÀ CỰC BÊN KIA CỦA CƯỠNG ÉP


ZW: Khái niệm Tân Tự do vì thế thường được coi là khái niệm khiêu khích cánh tả.


Han: Điều đó không đúng. Chủ nghĩa tân tự do mô tả trạng thái xã hội hiện thời rất chuẩn xác, bởi vì nó tập trung vào bóc lột tự do. Hệ thống nỗ lực để tăng năng suất, và vì thế nó chuyển đổi từ bóc lột người khác sang bóc lột bản thân, bởi vì việc này tạo ra hiệu quả và năng suất cao hơn, tất cả đều diễn ra bên dưới vỏ bọc của tự do.


ZW: Lối phân tích của ông không làm yên lòng chút nào hết. Chúng ta bóc lột chính mình, chúng ta không dám mạo hiểm gì cả, trong cả tình yêu lẫn chính trị, và chúng ta không muốn bị tổn thương hay làm tổn thương.


Han: Tôi rất tiếc, nhưng đó là thực tế.


ZW: Vậy làm thế nào một cá nhân trong xã hội này có thể tìm thấy tự do – liệu chúng ta có nên tận tâm hơn với các lý tưởng của mình?


Han: Hệ thống làm việc đó trở nên khó khăn. Chúng ta thậm chí không biết là mình muốn gì. Những nhu cầu mà tôi tưởng là nhu cầu của tôi, không phải nhu cầu của tôi. Hãy lấy ví dụ trường hợp Primark – cửa hàng áo quần giảm giá. Người ta sắp xếp để đi xe chung với nhau vì không phải ở thành phố nào cũng có Primark. Rồi người ta đến và gần như càn quét cái cửa hàng. Có một bài báo gần đây về một cô gái: khi cô nghe rằng Primark sắp mở một cửa hàng gần C&A trong khu Alexanderplatz (Berlin), cô đã hét lên trong sung sướng mà rằng, nếu có một cửa hàng Primark ở đây thì đời tôi thật sự hoàn hảo. Cuộc đời ấy có thật sự hoàn hảo với cô không, hay đó chỉ là một ảo tưởng tạo ra bởi văn hóa tiêu dùng? Hãy nhìn chính xác vào điều đang diễn ra ở đây. Các cô gái mua hàng trăm cái váy, mỗi cái váy giá khoảng 5 euros – vốn tự nó đã là một điều điên rồ, bởi vì người ta chết vì những cái váy này ở Bangladesh nếu cái nhà máy sụp đổ. Những cô gái này mua hàng trăm cái váy, nhưng họ gần như chẳng mặc chúng. Các anh có biết họ làm gì với chúng không?


ZW: Họ khoe chúng trên Youtube trong các Haul Videos (1).


Han: Chính xác, họ quảng cáo chúng! Họ làm hàng đống videos trong đó họ ướm thử các quần áo họ mua và chơi trò đóng vai người mẫu. Mỗi Youtube video được xem bởi nửa triệu người. Những kẻ tiêu thụ mua quần áo và những đồ dùng khác, nhưng không dùng chúng mà đem quảng cáo chúng, những quảng cáo này lại tiếp tục kích thích tiêu thụ. Nói một cách khác, đây chính là sự tiêu thụ thuần túy và nó cắt đứt hoàn toàn với việc sử dụng các đồ vật. Các công ty đã chuyển giao phần quảng cáo cho người tiêu dùng. Chính họ không còn quảng cáo nữa. Đó là một hệ thống hoàn hảo.


ZW: Liệu chúng ta có nên phản đối việc ấy không?


Han: Tại sao tôi nên phản đối nếu Primark đến và làm cuộc đời tôi thành hoàn hảo?


ZW: “Tự do sẽ rất ngắn ngủi” (Freedom will have been an episode), ông viết trong cuốn sách mới Phychopolitik như vậy. Tại sao?


Han: Tự do là cực bên kia của sự cưỡng ép. Nếu tiềm thức của anh coi sự cưỡng ép mà anh phải tuân theo là tự do, thì đó chính là sự cáo chung của tự do. Đó là lý do tại sao chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tự do nằm ở chỗ chúng ta coi cưỡng ép là tự do, vì thế không có một sự phản kháng nào khả dĩ cả. Nếu anh ép buộc tôi phải làm gì đó, thì tôi còn có thể chống lại lực ép từ bên ngoài này. Nhưng nếu không có một đối thủ nào đang thúc giục tôi phải làm gì, thì không thể có sự phản kháng. Đó là lý do tại sao tôi chọn lời đề từ cho cuốn sách của tôi là: “hãy bảo vệ tôi khỏi điều tôi muốn”, một câu nói được làm cho nổi tiếng bởi nghệ sĩ Jenny Holzer.


ZW: Vậy chúng ta cần phải bảo vệ chúng ta khỏi chính mình?


Han: Nếu một hệ thống tấn công tự do của tôi, thế thì tôi phải kháng cự. Điều xảo quyệt ở đây là hệ thống ngày nay không hề tấn công tự do, mà dùng nó làm công cụ. Ví dụ: khi có một cuộc điều tra dân số vào những năm 80, đã có những cuộc biểu tình. Thậm chí có cả một văn phòng chính phủ bị đánh bom. Người ta đổ xuống đường bởi vì họ có một kẻ thù trong chính quyền muốn chiếm lấy thông tin của họ mà không được họ đồng ý. Ngày nay, chúng ta đang cung cấp thông tin về mình nhiều hơn bao giờ hết. Tại sao không có cuộc biểu tình nào? Vì so với thời trước, chúng ta đang cảm thấy tự do. Ở thời điểm đó, người ta cảm thấy tự do của họ bị tấn công và lấy bớt, đó là lý do họ đổ xuống đường. Ngày nay, chúng ta cảm thấy tự do và cung cấp dữ liệu cá nhân một cách tự nguyện.


ZW: Có lẽ vì smartphones có thể giúp chúng ta đi tới những nơi chúng ta muốn. Chúng ta coi lợi ích lớn hơn là thiệt hại.


Han: Có thể, nhưng xét về cấu trúc, xã hội hiện nay không khác mấy so với thời phong kiến trung cổ. Chúng ta là các nông nô. Các địa chủ phong kiến kỹ thuật số như Facebook trao cho chúng ta đất và nói: hãy cày cấy nó, và ngươi sẽ có nó miễn phí. Và chúng ta cày cấy như điên những thửa đất này. Vào cuối ngày, các địa chủ sẽ tới và lấy phần thu hoạch. Đây chính là một hình thức bóc lột sự giao tiếp. Chúng ta giao tiếp với nhau, và chúng ta cảm thấy tự do. Các địa chủ làm ra tiền từ sự giao tiếp này, và lực lượng an ninh thì giám sát nó. Hệ thống này cực kỳ hiệu quả. Không hề có các cuộc biểu tình phản đối nó, bởi vì chúng ta đang sống trong một hệ thống bóc lột tự do.

XÃ HỘI SỐ NGÀY NAY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT XÃ HỘI PHI GIAI CẤP


ZW: Cá nhân ông đối phó với tình huống này như thế nào?


Han: Giống như mọi người khác, tất nhiên tôi cảm thấy khó chịu khi tôi không kết nối. Tôi cũng là một nạn nhân. Thiếu tất cả những công cụ truyền thông số này, tôi không thể làm được việc của mình, dù với tư cách giáo sư hay người viết. Tất cả mọi người đều liên đới và vướng mắc.


ZW: Vai trò của Big Data là gì?


Han: Một vai quan trọng, vì Big Data không chỉ được dùng để giám sát, mà còn đặc biệt dùng cho việc kiểm soát hành vi con người. Và nếu hành vi con người bị kiểm soát, nếu những quyết định chúng ta đưa ra trong cảm giác tự do thực ra hoàn toàn bị thao túng, thế thì tự do ý chí của chúng ta đang lâm nguy. Nói một cách khác, Big Data đe dọa ý chí tự do của chúng ta.


ZW: Ông đã viết rằng Big Data đã tạo nên một xã hội phân cấp mới.


Han: Xã hội số ngày nay không phải là một xã hội phi giai cấp. Hãy thử lấy công ty dữ liệu Acxiom làm ví dụ: họ phân chia con người thành các loại khác nhau. Loại thấp nhất được gọi là “rác”. Acxiom buôn bán dữ liệu của khoảng 300 triệu công dân Mỹ, tức là gần như toàn bộ dân số của họ. Ở thời điểm hiện tại (2014), công ty này biết về công dân Mỹ rõ hơn FBI, thậm chí còn có thể rõ hơn NSA. Tại Acxiom, con người được chia ra làm 70 loại, và họ được rao bán trong các ca-ta-lô như hàng bán lẻ, và bạn có thể mua tùy theo nhu cầu. Những người tiêu dùng có giá thị trường cao được xếp vào nhóm “Sao Băng”. Họ nằm trong độ tuổi 26 tới 45, năng động, dậy sớm chạy bộ, không có con nhưng có thể đã kết hôn, và họ ăn vegan, thích du lịch, xem Seinfeld trên TV. Đó là cách Big Data tạo ra một xã hội số phân cấp mới.


ZW: Và ai nằm trong giai cấp “rác”?


Han: Đó là nhóm những người có điểm giá trị thấp. Họ không có tín dụng, chẳng hạn. Và thế là, cùng với Panopticon (nhà tù tròn), nhà tù lý tưởng của Jeremy Bentham, chúng ta có thêm thứ mà nhà xã hội học Zygmunt Bauman đã gọi là “ban-opticon”. Panopticon giám sát các tù nhân bị nhốt trong hệ thống, trong khi ban-opticon là một thước đo để xác định những kẻ đáng ruồng bỏ và tống khứ những người nằm ngoài hoặc thù địch với hệ thống. Panopticon là phương pháp kinh điển để áp đặt kỷ luật, còn ban-opticon là cách để bảo đảm cho an ninh và tính hiệu quả của hệ thống. Thật thú vị là NSA và Acxiom đang cộng tác với nhau, một bên là mật vụ bên kia là thị trường.


ZW: Liệu có khả năng giai cấp “rác” sẽ chạm đến một khối lượng tới hạn, để rồi nó sẽ không còn bị kiểm soát nữa?


Han: Không. Họ lẩn trốn, họ xấu hổ, họ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, chẳng hạn. Họ thường xuyên bị làm cho cảm thấy sợ hãi. Mức độ sợ hãi mà những người tìm việc ở đây đang phải trải qua thật điên rồ. Họ bị nhốt lại trong ban-opticon, để họ không thể vượt thoát được nhà ngục sợ hãi của họ. Tôi biết nhiều người tìm việc, họ bị đối xử như với rác rưởi. Ngay tại Đức, một trong những nước giàu nhất thế giới, người ta vẫn bị đối xử như cặn bã. Phẩm giá của họ đã bị tước mất. Tất nhiên những người này không phản kháng, vì họ thấy xấu hổ. Họ tự buộc tội chính mình, thay vì buộc xã hội phải chịu trách nhiệm, hoặc buộc tội xã hội. Không một hành động chính trị nào có thể được tạo ra bởi giai cấp này.


ZW: Tệ thật. Những điều này rồi sẽ kết thúc thế nào?


Han: Trong mọi trường hợp nó không thể cứ tiếp tục như thế này, nếu không phải vì gì khác thì trước hết bởi vì tài nguyên thiên nhiên là có hạn. Dầu mỏ chỉ còn đủ trữ lượng cho khoảng 50 năm nữa. Chúng ta đang sống trong ảo giác ngay tại nước Đức này. Khâu sản xuất chúng ta đã thuê ngoài phần lớn. Trung Quốc đang sản xuất máy tính cá nhân của chúng ta, quần áo của chúng ta, điện thoại di dộng của chúng ta. Nhưng Bắc Kinh đang ngày càng sa mạc hóa, và bạn gần như không thở được ở đó vì khói bụi. Khi tôi ở Hàn Quốc, tôi nhìn thấy những đám mây bụi vàng khè trôi tới tận Seoul. Bạn buộc phải đeo khẩu trang nếu không muốn bụi mịn tàn phá phổi bạn. Cái cách mà mọi thứ phát triển ở đó đang hết sức khủng khiếp. Ngay cả khi mọi thứ vẫn tạm ổn thêm một thời gian nữa – thì đó là cái kiểu đời sống gì vậy? Hay hãy nhìn vào những kẻ đang gắn lên người họ đủ loại cảm biến để đo huyết áp, đo đường huyết và đo mỡ trong máu suốt ngày đêm, và đưa tất cả những dữ liệu này lên internet! Nó gọi là tự theo dõi. Những người này đã thành zombies rồi, họ là những con rối bị giật dây bởi những quyền lực bí ẩn, như Georg Büchner nói trong Danton’s Death. Ở thời điểm này cần phải kể ra rằng cuộc trò chuyện của chúng tôi ở Café Liebling thường xuyên có nguy cơ bị sao nhãng. Có một loạt các nhạc sĩ đường phố đến chơi ở gần bàn của chúng tôi mà, không hề cân nhắc, cứ dúi nhạc cụ của họ tới quá gần thiết bị ghi âm và chơi nhạc say sưa: một người thổi saxophone các bản hits của Glenn Miller, một người chơi accordion các giai điệu từ Paris, và một đôi ca sĩ – người chơi ghi-ta với điệp khúc “Que Sera”. Nhưng Byung-Chul Han nói với sự tập trung cao độ, bạn có thể gần như quan sát được dòng suy nghĩ của ông dần hình thành cho tới khi tạo nên các câu, để rồi ông xếp chúng lại một cách chuẩn xác. Trong những khoảnh khắc này, toàn bộ sự chú ý của ông đặt vào dòng suy nghĩ ấy – chứ không phải vào những người mà ông đang trình bày chúng. Phần biểu diễn cạnh bên cũng chẳng làm sao nhãng ông một chút nào.

HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ TRẠNG THÁI MÀ TÔI NHẮM TỚI


ZW: Giáo sư Han, ở Hàn Quốc ban đầu ông theo học ngành luyện kim. Làm thế nào mà kỹ thuật viên kim loại tương lai Byung-Chul Han lại trở thành một triết gia và một người lớn tiếng phê bình hệ thống?


Han: Tôi vốn là dân mê kỹ thuật. Hồi nhỏ, tôi khoái mày mò radios và các thiết bị điện máy trong nhà. Tôi đã muốn học kỹ sư điện máy, nhưng rồi cuối cùng lại học luyện kim. Quả thực tôi đã là một kỹ thuật viên hăng hái và rất thích mày mò.


ZW: Thế sao ông lại dừng?


Han: Bởi vì có lần khi tôi đang thí nghiệm với hóa chất thì đã có một vụ nổ. Tôi vẫn còn mấy vết sẹo đây. Tôi suýt chết, hoặc ít nhất cũng suýt bị mù.


ZW: Vụ đó xảy ra ở đâu?


Han: Ở quê tôi Seoul. Lúc đó tôi đang là sinh viên. Ngày nào tôi cũng dành trọn thời gian để mày mò, xay nghiền, hàn nối. Hộc tủ của tôi đầy những dây kim loại, máy đo và hóa chất. Tôi đã gần như là một nhà giả kim. Luyện kim chính là giả kim thuật hiện đại. Nhưng tôi đã ngừng vào cái ngày vụ nổ xảy ra. Tôi vẫn mày mò, nhưng không với dây kim loại và các mối hàn sắt nữa. Thực ra suy nghĩ cũng là một cách mày mò. Và suy nghĩ cũng có thể dẫn tới những vụ nổ. Suy nghĩ là hoạt động nguy hiểm nhất, có lẽ còn nguy hiểm hơn cả bom nguyên tử. Nó có thể thay đổi thế giới. Đó là lý do vì sao Lê-nin nói: “Học, học nữa, học mãi!”


ZW: Ông có muốn làm đau người khác không?


Han: Không. Tôi chỉ cố gắng miêu tả điều đang xảy ra. Thật khó để nhìn mọi việc một cách thấu đáo. Đó là lý do tôi muốn nhìn thấy nhiều hơn – học cách quan sát tốt hơn. Tôi viết xuống điều tôi thấy. Không. Tôi chỉ cố gắng miêu tả điều đang xảy ra. Thật khó để nhìn mọi việc một cách thấu đáo. Có thể sách của tôi làm đau độc giả, bởi vì tôi trình bày những điều mà người ta không muốn nhìn thấy. Chẳng phải tôi, chẳng phải những phân tích của tôi tàn nhẫn, mà thế giới mà chúng ta đang sống trong; nó tàn nhẫn, điên rồ và phi lý.


ZW: Ông có phải là một người hạnh phúc không?


Han: Tôi không hỏi câu đó.


ZW: Ý ông là câu hỏi đó không nên được hỏi?


Han: Nó thực là một câu hỏi vô nghĩa. Hạnh phúc không phải là trạng thái mà tôi nhắm tới. Bạn cần phải định nghĩa khái niệm ấy. Ý bạn là gì khi bạn nói đến hạnh phúc?


ZW: Đơn giản thôi: tôi thích thú việc hiện hữu trong đời sống, tôi cảm thấy thế giới là nhà, tôi tận hưởng thế giới, tôi ngủ ngon.


Han: Hãy bắt đầu với điều cuối cùng. Tôi ngủ không ngon. Cách đây hai hôm, tại một hội nghị chuyên đề về cuộc sống tốt đẹp với triết gia Wilhelm Schmidt, tôi mở đầu bằng một bản nhạc: bản Goldberg Variations. Bach đã soạn bản Goldberg Variations cho một Bá Tước bị chứng mất ngủ nặng. Tôi nhắc khán giả về câu đầu tiên trong cuốn Đi Tìm Thời Gian Đã Mất của Marcel Proust. Bản tiếng Anh viết là: “For a long time, I went to bed early.” Nhưng trong tiếng Pháp, câu ấy thực ra là “Longtemps je me suis couché de bonne heure.” Bonheur là hạnh phúc. Vì thế bản dịch đúng phải là: “Một thời gian dài, tôi đi ngủ trong hạnh phúc.” Tôi nói với khán giả của tôi rằng ngủ ngon là một dấu hiệu của một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Bản thân tôi phải chịu đựng chứng mất ngủ.


ZW: Ông làm gì khi ông không thể ngủ?


Han: Tôi làm gì được? Tôi chỉ nằm đó thôi. Về phần kia: liệu tôi có thích việc hiện hữu trong thế giới không? Làm sao mà bạn thích ở trong một thế giới giả được? Đó là điều không thể, và vì thế, tôi không hạnh phúc. Tôi thường xuyên không hiểu thế giới. Nó rất là phi lý đối với tôi. Tôi không thể hạnh phúc được trong sự phi lý và vô nghĩa. Để hạnh phúc bạn cần rất nhiều ảo tưởng, tôi nghĩ vậy.


ZW: Ông thích tận hưởng…?


Han: Gì cơ?


ZW: Ông thích tận hưởng điều gì?


Han: Tôi không thể tận hưởng thế giới được.


ZW: Một miếng bánh ngọt ngon lành thì sao?


Han: Tôi không ăn bánh ngọt. Tôi cũng thích tận hưởng một bữa ăn ngon, nhưng thức ăn ở Berlin, và ở Đức nói chung, là một vấn đề. Người Đức không có vẻ gì là thích thưởng thức đồ ăn ngon. Có thể việc đó bắt nguồn từ Đạo Tin Lành, thái độ thù địch này đối với các ham thích thuộc về giác quan. Ở Châu Á, thức ăn có một giá trị hoàn toàn khác, một giá trị cao hơn rất nhiều. Người ta tiêu rất nhiều tiền vào nó, không như ở Đức. Ở Nhật chẳng hạn: ẩm thực là cả một giáo phái, một hệ thống thẩm mỹ. Đặc biệt là sự tươi ngon khó tin của nó! Mùi gạo thơm cũng có thể làm ai đó cảm thấy hạnh phúc.


ZW: Nghe có vẻ như cũng có chút đỉnh hạnh phúc đấy chứ. Ông đã sống ở Đức 30 năm. Ông đã chịu đựng nó như thế nào?


Han: Tôi sẽ không gọi nó là chịu đựng. Tôi thích sống ở Đức. Tôi thích sự yên tĩnh ở đây, thứ mà tôi sẽ không có ở Seoul. Tôi đặc biệt thích tiếng Đức, cả những từ của nó. Những ai đọc sách của tôi hẳn sẽ thấy điều đó. Tôi có một ngôn ngữ ở đây mà tôi có thể dùng rất tốt cho việc triết lý của mình. Đúng, có những thứ làm tôi hạnh phúc. Không phải đồ ăn, nhưng các bản nhạc của Bach chơi bởi Glenn Gould. Tôi thường nghe Bach nhiều giờ liền. Tôi không biết là tôi có ở Đức lâu đến thế không nếu thiếu Bach, thiếu Winterreisecủa Schubert, thiếu Dichterliebe của Schumann. Hồi tôi còn đang lấy bằng triết học, tôi thường hát rất nhiều, đặc biệt là các bài hát của Schumann và Schubert, và tôi cũng đã tham dự nhiều buổi học hát. Hát bản Winterreise cùng với đàn piano là một điều thật tuyệt…

NGÔN NGỮ ĐANG BỊ LÃNG QUÊN


ZW: Vậy là cũng có cái đẹp đấy chứ! Nhưng ông lại rất dành nhiều thời gian để nói xấu thế giới.


Han: Có thể. Tôi đã thực sự làm sinh viên của tôi tuyệt vọng, bởi vì tôi đã nói với họ tất cả những vấn đề này trong các bài giảng của tôi. Hôm trước khi tôi nói trong bài giảng rằng hôm nay chúng ta sẽ nghĩ về các giải pháp, vài người trong họ đã vỗ tay. Cuối cùng thì ông ấy cũng giải thoát chúng ta khỏi sự tuyệt vọng này!


ZW: Đáng yêu quá. Các giải pháp cũng là một chủ đề mà chúng tôi muốn thảo luận với ông.


Han: Tôi cũng đã muốn nghĩ tới các giải pháp, nhưng rồi tôi lại chỉ miêu tả thêm các vấn đề.


ZW: Ồ weo. Thế còn những vấn đề gì nữa?


Han: Ngày nay không còn ngôn ngữ nữa – chỉ còn sự cạn lời và sự vô vọng. Ngôn ngữ đang bị lãng quên. Ngược lại, có một tiếng ồn rất lớn, tiếng ồn trong giao tiếp và truyền thông, và lại có một sự cạn lời vĩ đại, một sự cạn lời rất khác so với sự im lặng. Im lặng mang tính hùng biện rất lớn. Im lặng có ngôn ngữ của nó. Sự bất động cũng mang tính hùng biện có ngôn ngữ riêng. Nhưng tiếng ồn và sự cạn lời không có ngôn ngữ. Chỉ có sự cạn lời, sự giao tiếp ồn ào, vốn là một vấn đề. Ngày nay, thậm chí không có sự hiểu biết, chỉ có thông tin. Sự “biết” (knowing) hoàn toàn khác so với thông tin (information).Ngày nay “sự hiểu biết” (knowledge) và “sự thật” (truth) đã trở nên lỗi thời. Sự hiểu biết cũng có một cấu trúc thời gian khác hẳn, nó trải từ quá khứ tới tương lai, trong khi tính tạm thời của thông tin chỉ là hiện tại, ngay bây giờ. Sự hiểu biết cũng đến từ trải nghiệm nữa. Một bậc thầy có sự hiểu biết. Ngày nay, chúng ta sống trong sự khủng khiếp của tính amateur.


ZW: Ông nghĩ là điều gì đang xảy ra với khoa học? Nó đang không tạo ra tri thức ư?


Han: Giới khoa học đã không còn khảo sát bối cảnh xã hội của tri thức. Họ chỉ đang làm nghiên cứu thực chứng (positive research). Mọi hiểu biết đều đặt trong một mối quan hệ quyền lực, và các mối quan hệ quyền lực mới, các quyền hạn mới tạo ra tri thức mới, đối thoại mới. Tri thức luôn được nhúng trong một cấu trúc quyền lực. Bạn có thể chỉ làm nghiên cứu thực chứng mà không nhận ra lời nguyền của quyền lực này vồ chụp lên bạn, và không hề liên hệ gì đến bối cảnh của tri thức. Sự ngẫm nghĩ suy xét về bối cảnh này đã không còn được thực hiện nữa. Kể cả triết học cũng đã trở thành một khoa học thực chứng. Nó không quy dẫn đến xã hội, mà chỉ quan tâm đến chính nó. Nó trở nên hoàn toàn đui mù trước đời sống xã hội.


ZW: Ông đang nói đến toàn bộ sinh hoạt hàn lâm ư?


Han: Ít hay nhiều, đúng vậy. Điều đang xảy ra hiện tại chỉ là Khoa học Google (2), mà không có sự phản biện thấu đáo về hành động của chúng ta. Ngành khoa học nhân văn nên tư duy thật kỹ về hành động của họ, nhưng điều này đang không diễn ra. Nhiều nghiên cứu về cảm xúc đang diễn ra, chẳng hạn. Tôi muốn hỏi một nhà khoa học đang làm loại nghiên cứu này là: tại sao ông/bà lại làm điều này? Họ không nghĩ về hành động của chính mình.


ZW: Theo ông thì nên làm gì?


Han: Điều này liên quan đến tính xã hội của các ngành khoa học nhân văn. Chúng ta cần phải hiểu rõ nền tảng xã hội của nghiên cứu của chúng ta, bởi vì mọi tri thức đều được nhúng vào trong các mối quan hệ quyền lực của hệ thống. Tại sao hiện nay các nghiên cứu về cảm xúc lại đang được thực hiện nhiều đến thế? Có lẽ là vì cảm xúc đang được coi là một nguồn lực sản xuất. Cảm xúc đang được dùng làm công cụ để kiểm soát. Nếu anh tạo ảnh hưởng được lên cảm xúc, anh có thể kiểm soát và thao túng hành vi của con người ở tầng tiềm thức.


ZW: Giờ thì ông đang nói như một người tin vào thuyết âm mưu. Liệu có thể tạo ra một hệ thống tốt hơn với nhiều trí thông minh hơn không?


Han: Trí thông minh (intelligence) bắt nguồn từ chữ Latin intel (giữa) và legere (lựa ra, đọc thấy), mang nghĩa phân biệt. Trí thông minh là hoạt động phân biệt bên trong một hệ thống. Trí thông minh không thể tạo ra một hệ thống mới, một ngôn ngữ mới. Tâm thức (3) hoàn toàn khác so với trí thông minh. Tôi không tin rằng máy tính rất thông minh có thể sao chép được tâm thức con người (4). Bạn có thể thiết kế một cái máy rất thông minh, nhưng tôi tin rằng máy móc sẽ không bao giờ tạo ra ngôn ngữ mới, một thứ hoàn toàn khác biệt. Một cái máy không có tâm thức (5). Chẳng máy nào có thể cho ra (output) nhiều hơn phần đưa vào (input). Đây chính xác là điều kỳ diệu của sự sống, rằng nó có thể cho ra nhiều hơn phần đưa vào, và có thể cho ra một thứ hoàn toàn khác so với những thứ đưa vào. Đó là sự sống. Sự sống là tinh thần (6). Đó là điều khác biệt của nó so với một cái máy. Nhưng sự sống này đang bị đe dọa vì mọi thứ đang được tự động hóa, khi mọi thứ đều được điều khiển bởi thuật toán. Một cái máy-người bất tử, như hình dung của nhà hậu nhân văn (posthumanist) Ray Kurzweil, không còn là một con người nữa. Có thể cuối cùng chúng ta sẽ đạt được sự bất tử nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, nhưng chúng ta sẽ đánh mất sự sống. Chúng ta sẽ đạt được sự bất tử bằng cái giá là sự sống. Ghi chú:

(1) “Haul video” là các video cá nhân quay lại trải nghiệm và cảm nhận về những mặt hàng mà một người vừa mua (quần áo, thiết bị điện tử…vv…).

(2) Ý tác giả là khoa học được tài trợ bởi tổ chức tư nhân, dẫn về ý “cấu trúc quyền lực” phía trên.

(3), (4), (5), (6): Từ tiếng Đức dùng ở đây là “Geist”, có thể mang nghĩa “tâm trí”, “tinh thần”, “cốt lõi” hoặc “linh hồn”.

TS. Ngu Ngu dịch từ tiếng Anh Thực hiện bởi Niels Boeing và Andreas Lebert cho tạp chí ZEIT Wissen (Tri thức Thời Đại) số 5, năm 2014. Bài gốc đăng ngày 7/9/2014 tại https://www.zeit.de/zustimmung?url=https%3A%2F%2Fwww.zeit.de%2F...%2Fbyung-chul-han...%2Fkomplettansicht

Bản dịch từ Đức ngữ sang Anh ngữ của Rebecca Darby, 11/2015 đăng tại https://skorpionuk.wordpress.com/2015/11/03/byung-chul-han-im-sorry-but-those-are-facts/

Nguồn: Thành Minh Nguyễn



Cảm ơn bạn đã ghé thăm Chia Sẻ Chân Thành!

Bạn sẽ có được một backlink dofollow ngay sau khi đăng comment. Nếu bạn có bất kỳ ý kiến với bài viết này, hãy bình luận ngay nhé. Bạn vui lòng đăng những nhận xét lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu.